Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thế giới sinh viên

Việc bước chân vào nghề quá sớm chưa hẳn là một điều hoàn toàn có lợi cho sinh viên...
Đối với một sinh viên, việc tìm cho mình một nghề nghiệp ổn định khi ra trường là điều ai cũng mong muốn. Tất nhiên, sẽ quá tuyệt vời khi điều đó diễn ra ngay cả khi chúng ta còn ngồi trên giảng đường. Tuy nhiên, việc bước chân vào nghề quá sớm chưa hẳn là một điều hoàn toàn có lợi cho sinh viên. 

1. Ham làm, quên học
Đó là căn bệnh chung của hầu hết các sinh viên bước chân vào nghề quá sớm. Có cơ hội thực tập những kĩ năng nghề nghiệp, cánh cửa tương lai cũng sáng sủa hơn nhờ các mối quan hệ công viêc ngay khi còn là sinh viên và còn có thể kiếm thêm thu nhập…những điều kiện quá hấp dẫn này đã khiến không ít sinh viên nhanh chóng lao theo công việc mà quên mất nhiệm vụ chính của mình là học. Bạn M.T (sinh viên trường X) nổi tiếng khắp trường ngay từ khi còn là sinh viên năm hai với công việc làm người mẫu bài cho các tạp chí tên tuổi hay có mặt trong các bộ ảnh thời trang của các nhà thiết kế nổi tiếng. Tuy nhiên, bạn bè cùng lớp lại chẳng khi nào thấy bóng dáng của T đâu cả vì cô nàng…quá ư bận rộn với công việc của mình. Theo lời của T, dù không tham gia chụp ảnh, cô nàng cũng phải đi uống nước, tham gia những buổi party, hội nhóm…để mở rộng mối quan hệ, phục vụ cho công việc của mình. Nếu không, cô nàng thường “đốt” thời gian tại các spa, thẩm mĩ viện làm đẹp. Chính vì thế, khi được hỏi về việc học, T thở dài ngao ngán “Hầu như mọi hoạt động trong ngày mình đều dành cho công việc hiện tại. Ngay cả việc nghĩ đến thôi cũng rất hiếm khi. Chỉ khi nào có thi cử gì mình mới đọc lướt qua bài vở…photo từ các bạn cùng lớp”. Với cách học “lơ tơ mơ” như vậy, việc thi lại với T chỉ là chuyện thường. “Dù biết như vậy là không ổn nhưng đã lỡ lao chân vào công việc, mình không thể dừng lại được. Đây là một cơ hội tốt mà mình cần nhanh chóng nắm bắt nếu không sẽ uổng phí công sức từ trước đến nay”- T tâm sự.
2. Muốn nhanh chóng chứng tỏ mình
Cũng như T, Q.Dũng (sinh viên năm 3, trường ĐH V) vốn rất năng động và có năng khiếu viết lách nên khi còn là sinh viên, Dũng đã tạo cho mình một nguồn thu nhập ổn định từ việc viết báo, đúng với chuyên ngành mà Dũng đang theo học. Tuy nhiên, khi đã có chút tiếng tăm, Dũng lại càng muốn chứng tỏ mình hơn. Thế là thay vì viết về những đề tài gần gũi với mình, anh chàng chuyển sang chọn những đề tài tầm cỡ. Hậu quả là Dũng gặp thất bại ê chề do thiếu kinh nghiệm nhưng lại háo thắng và đốt cháy giai đoạn. Trường hợp của Q.K (ĐHCT) lại khác. Cô sinh viên có chút tài năng này rất được bạn bè nể phục khi trở thành trợ giảng cho một giảng viên trong trường. Thế nên, cô nàng luôn cho rằng mình có kiến thức sâu rộng và không cần phải học thêm gì nữa (!?). Ngay trong cách đối xử với bạn bè, Q.K cũng tỏ ra ta đây là…giảng viên. Chính vì thế, từ mến phục, bạn bè tỏ ra xem thường cô bạn chỉ mới tạo lập chút thành tích đã kiêu căng và không biết khiêm tốn.
3. Cần trang bị gì khi còn là sinh viên?
Tất nhiên, việc sớm bước chân vào lĩnh vực mình yêu thích sẽ mang đến cho sinh viên cơ hội cọ sát với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn là sinh viên, việc cần thiết trước mắt là trao dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Do đó, chúng ta chỉ nên xem công việc như một cách để thực tập, hoàn thiện hơn những kỹ năng trên lớp chứ không phải là điều mà một sinh viên phải lao theo trong khi việc đó vượt quá khả năng của mình. Điều cần nhất đối với một sinh viên là trang bị đủ những kiến thức chuyên ngành trước khi thật sự đến với một nghề nghiệp nào đó. Chính vì thế, hãy nắm bắt những cơ hội tốt cho nghề nghiệp tương lai của mình nhưng không nên sa đà vào việc làm mà quên mất việc học trước mắt các bạn nhé !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét